MỤN DO STRESS - CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ KIỂM SOÁT CĂNG THẲNG
Mụn do stress là tình trạng khá phổ biến, không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn tạo tâm lý tự ti cho người bị mụn. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về mối quan hệ giữa mụn và stress trong bài viết sau để biết cách điều trị hiệu quả nhé.
1. Stress có gây mụn không?
Khi một người bị stress, nhất là khi stress kéo dài, hệ thần kinh bị tác động làm rối loạn nội tiết tố, tăng tiết mồ hôi, tuyến bã nhờn cũng hoạt động nhiều hơn khiến làn da dễ bị nổi mụn hơn, đồng thời làm nặng hơn tình trạng mụn đang có sẵn. Nói cách khác, stress là một trong những yếu tố gây phát sinh mụn hoặc làm tình trạng mụn sẵn có xấu hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy điển hình như ở sinh viên, mụn sẽ trở nên nặng hơn trong thời gian căng thẳng như mùa thi. Trong thời điểm căng thẳng, cơ thể chúng ta sản xuất một cách quá mức các hormone được gọi là androgen, kích thích sản xuất bã nhờn dư thừa, có thể gây ra mụn. Căng thẳng là yếu tố “xúc tác” làm tăng mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá sẵn có trên da đồng thời nó có ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến triển và tính dai dẳng của mụn.
Cụ thể, căng thẳng có thể thay đổi hormone Cortisol và Androgen, kích thích sản xuất bã nhờn trên da. Từ đó dẫn đến tăng sinh vi khuẩn gây mụn, thúc đẩy hệ miễn dịch phản ứng và gây viêm, khiến cho tình trạng mụn trở nên nặng hơn
Về bản chất, hiệu ứng domino bắt đầu bởi sự căng thẳng sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền mà đỉnh điểm là sự hình thành các tổn thương do mụn trứng cá.
Điều quan trọng là thời gian căng thẳng đóng vai trò như một yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Căng thẳng càng kéo dài, mụn trứng cá có thể trở nên rõ rệt hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát căng thẳng không chỉ đối với sức khỏe tinh thần mà còn đối với sức khỏe làn da của chúng ta.
2. Làm thế nào để nhận biết mụn do stress?
Mụn do căng thẳng thường không quá khác biệt với mụn trứng cá thông thường nên sẽ khó nhận biết. Bạn có thể chú ý đến thời gian bị mụn có đang căng thẳng hay không hoặc nốt mụn có chậm lành hơn so với bình thường để dự đoán căng thẳng và mụn có liên quan với nhau.
Nhưng nhìn chung, bạn vẫn nên gặp bác sĩ da liễu/Dược sĩ /chuyên gia da liễu để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân bị mụn một cách chính xác nhất nhé.
3. Cách điều trị mụn do căng thẳng
Mụn do căng thẳng có thể được cải thiện khi giảm căng thẳng, nhưng để điều trị mụn do căng thẳng một cách triệt để, bạn cũng cần phải tìm giải pháp tận gốc của tình trạng trên. Nổi mụn do stress cần điều trị căng thẳng và mụn song song với nhau. Bởi nếu căng thẳng chưa được giải quyết thì tình trạng mụn vẫn kéo dài, ngược lại mụn cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý khiến căng thẳng ngày càng nghiêm trọng.
Sử dụng các phương pháp trị mụn khoa học. Tuyệt đối không áp dụng các biện pháp trị mụn dân gian được lưu truyền không rõ nguồn gốc để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc trên làn da. Mặt khác, các sản phẩm trị mụn trên thị trường có rất nhiều, bao gồm cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Bạn cần lựa chọn kỹ lưỡng và chọn những sản phẩm đáng tin cậy theo tư vấn của bác sĩ/ dược sĩ/ chuyên gia
3.1. Kiểm soát và giảm căng thẳng
Để giảm bớt căng thẳng, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
• Tập thể dục: Rèn luyện cơ thể đều đặn giúp kích thích sản sinh hormone endorphin giúp tâm lý thoải mái, căng thẳng được giải tỏa và tình trạng mụn cũng phần nào được cải thiện.
• Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống khoa học với các loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt như vitamin, khoáng chất có thể hạn chế được đầy bụng, khó tiêu và góp phần giữ cho nội tiết tố ổn định. Nhờ vậy mà căng thẳng được kiểm soát tốt hơn, mụn cũng giảm đáng kể.
• Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể gây ra căng thẳng và làm mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Việc ngủ đủ giấc giúp cơ thể có thời gian phục hồi và tái tạo, đồng thời giữ cân bằng hormone. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, làn da cũng trở nên khỏe mạnh và ít mụn hơn.
• Sắp xếp công việc hợp lý: Lập kế hoạch làm việc cụ thể và biết cách phân chia thời gian hợp lý sẽ giúp giảm áp lực công việc, hạn chế tình trạng căng thẳng. Quản lý thời gian tốt không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả mà còn có thời gian chăm sóc bản thân, đặc biệt là làn da.
• Chia sẻ với bạn bè, người thân: Nói chuyện và chia sẻ nỗi lo, áp lực với những người thân thiết là một cách để giải tỏa tâm lý hiệu quả. Khi tâm trạng thoải mái thì tình trạng mụn cũng được cải thiện tốt hơn.
• Nhận tư vấn từ bác sĩ: Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và bạn không thể kiểm soát được thì hãy cân nhắc gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ sẽ là người lắng nghe và tư vấn cho bạn giải pháp để giảm căng thẳng, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
3.2. Chăm sóc da đúng cách
Ngoài kiểm soát stress, bạn cũng cần chú ý chăm sóc làn da đúng cách để giảm mụn và ngừa mụn tái phát. Theo đó bạn nên làm sạch da cẩn thận 2 lần/ngày với sản phẩm dịu nhẹ, tẩy tế bào da chết để tránh bít tắc lỗ chân lông, dưỡng ẩm đầy đủ với sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ cũng như thoa kem chống nắng bảo vệ da trước khi ra ngoài. Nên hạn chế trang điểm và đừng tự ý lấy mụn, nặn mụn.
3.3. Sử dụng thuốc trị mụn
Để giảm tình trạng sưng viêm, giúp mụn nhanh khô và gom cồi bạn nên dùng thêm thuốc trị mụn, lưu ý sử dụng đúng theo chỉ định bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ. Các loại thuốc trị mụn thường được bác sĩ kê đơn gồm thuốc bôi (chứa Benzoyl Peroxide, Retinoids, Azelaic Acid,…) và thuốc uống (thuốc kháng sinh, Isotretinoin, thuốc kháng androgen,…).
3.4. Áp dụng các phương pháp điều trị nâng cao
Các phương pháp trị mụn nâng cao như peel da, chiếu IPL, chiếu ánh sáng sinh học, laser trị mụn,… có tác dụng hỗ trợ giảm sưng viêm, khô nhân mụn, kiểm soát dầu nhờn đồng thời làm mờ thâm, sáng da. Bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị này với thuốc bôi, thuốc uống để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian trị mụn.
Lời khuyên: Điều trị mụn do stress là một quá trình lâu dài, bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị khoa học, trị mụn đúng cách ngay từ đầu giúp đạt hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí hơn.